Kinh nghiệm du lịch Hội An 2020
Từ 400 năm trước, Hội An đã là một thương cảng đông đúc các thương nhân từ khắp thế giới, tạo nên nét văn hóa đa dạng, giao hòa giữa Đông – Tây. Ngày nay, Hội An là một trong những đô thị cổ hiếm hoi vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nếu bạn là người mê mẩn không khí hoài cổ, bình yên của phố cổ nhỏ bên sông Hoài này thì hãy lưu nhanh những kinh nghiệm du lịch Hội An dưới đây để tận hưởng một chuyến đi trọn vẹn nhất nhé.
1. Du lịch Hội An thời điểm nào?
Sở hữu kiểu khí hậu hai mùa rõ rệt, hẳn nhiên là du lịch Hội An vào mùa khô (tháng 1 – tháng 7) sẽ được ưa thích hơn vào mùa mưa. Trong đó, thời gian lý tưởng nhất là từ tháng 2 – tháng 4, khi mà khí hậu vào xuân, đầu hè, thời tiết mát mẻ và nắng không quá gay gắt.
Ngoài thời gian này, bạn vẫn có thể chọn đến Hội An trong mùa mưa (tháng 8 – tháng 12). Khí hậu Hội An nhìn chung vẫn khá ôn hòa, không chịu nhiều ảnh hưởng của bão hay nhiệt độ chênh lệch cao giữa các mùa. Tuy nhiên cần lưu ý là mưa ở Hội An khá dai dẳng, và đôi khi sẽ gây lụt. Nếu bạn muốn được trải nghiệm cảm giác chèo thuyền giữa phố cổ thì du lịch Hội An trong thời gian này sẽ là một kỉ niệm thú vị.
Thế nhưng, ngày 14 âm lịch hàng tháng sẽ vô cùng tuyệt vời, vô cùng thú vị nếu bạn đến Hội An vào thời điểm này. Bởi vào ngày cận rằm này, tất cả các gia đình ở phố cổ Hội An sẽ tắt hết đèn điện và thắp đèn lồng. Do đó, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng đẹp huyền bí mà bình thường chỉ thấy trên TV. Không chỉ vậy, những lễ hội, những màn văn nghệ đặc sắc sẽ không làm bạn ân hận vì đã đến Hội An vào khoảng thời gian này đâu.
2. Phương tiện di chuyển
Máy bay
Hội An thuộc Quảng Nam nhưng sân bay gần nhất lại ở Đà Nẵng (Hội An cách Đà Nẵng 30km). Hiện nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjetair đều có khai thác các đường bay từ TP. HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng.
Các phương tiện khác : Ô tô, tàu hỏa
Từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đều có tuyến xe lửa đến Đà Nẵng (tuyến Bắc – Nam), giá vé dao động từ 400.000đ đến 1.200.000 VND tùy loại tàu và loại ghế. Mất từ 14 đến 20 tiếng để đi từ hai thành phố này đến Đà Nẵng bằng xe lửa.
Xe khách: tốn khoảng 400.000 – 500.000 VND. Xe Hoàng Long, Hlink, Mai Linh, Thuận Thảo. Thời gian 18 đến 20 tiếng từ Hà Nội/Sài Gòn đến Đà Nẵng.
Vì điểm trung chuyển đến Hội An chủ yếu hiện nay là bến tàu, xe Đà Nẵng. Từ đó bạn có thể bắt xe bus/taxi đi Hội An rất thuận tiện.
- Đi từ hướng Hà Nội cũng có thể chọn điểm dừng tại ga Tam Kỳ (Quảng Nam), tại đây bắt xe đi Hội An.
- Nếu xuất phát từ hướng TP. HCM bạn có thể chọn chuyến xe ra miền Bắc hoặc Đà Nẵng, sẽ đi ngang và dừng tại Hội An.
Lưu ý: Từ thành phố Đà Nẵng đi về Hội An có hai cách:
- Bạn có thể đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km là đến Hội An.
- Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ Trung Tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An, đến Hội An khoảng 30km.
Phương tiện đi lại ở Hội An:
- Xe máy: Là một thành phố du lịch, bạn sẽ dễ dàng thuê xe máy ở Hội An với giá 120.000 – 150.000 VND/ ngày.
- Xe đạp: Cách tuyệt vời nhất để dạo quanh phố cổ là đạp xe hóng mát và cảm nhận nhịp sống bình yên của thành phố. Một số khách sạn ở Hội An sẽ có xe đạp miễn phí cho khách thuê, hoặc cho thuê với giá khoảng 40.000 VND/ ngày.
- Xích lô: Nếu xích lô ở thành phố là điều hiếm hoi thì ở Hội An, phương tiện này vẫn là một hình ảnh đặc trưng. Bạn có thể đón xích lô ở Hội An tại đường Phan Châu Trinh, Tần Phú với giá 150.000 VND/ giờ/ xe.
- Taxi: Hội An có các hãng taxi quen thuộc là Mai Linh (SĐT: 0235.3.92.92.92), Taxi Hội An (SĐT: 0235.3.91.99.19), Faifo (SĐT: 0235.3.91.91.91)
- Tàu, thuyền: Dành cho một chuyến tham quan đậm chất phố cổ thì đừng bỏ qua cơ hội đi thuyền trên sông Hoài hoặc sông Thu Bồn. Bạn có thể dễ dàng đón thuyền ngay tại bến sông ở trung tâm phố cổ.
3. Địa điểm du lịch Hội An không thể bỏ lỡ
- Công viên Ấn Tượng Hội An và Show Thực Cảnh Ký ức Hội An
Đây chắc chắn sẽ là điểm nhấn trong chuyến thăm Phố Cổ hè này của bạn. Kể từ khi ra mắt, show thực cảnh Ký Ức Hội An nhận được vô vàn lời khen có cánh của khán giả và giới nhà phê bình. “Bữa tiệc thị giác” khiến khán giả phải ồ à không ngớt khi được xem những vũ công chuyên nghiệp biểu diễn giữa các hiệu ứng sân khấu ngoạn mục, đạo cụ chỉn chu, vũ điệu điêu luyện và đầy biểu cảm. Một điều đáng kinh ngạc nữa là chương trình được thực hiện trên sân khấu 25,000 m2 – sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam, với bối cảnh sông Thu Bồn nên thơ.
-
Chùa Cầu
Chùa Cầu là viên ngọc giữa lòng Hội An. Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế. Cầu có mái che khá độc đáo cùng các kết cấu, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây.
- Hội quán Phúc Kiến
Hội quán Phúc Kiến có thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, là nơi các thương nhân Trung Quốc thường ghé vào cầu nguyện cho một chuyến biển mưa thuận gió hòa. Sau nhiều lần trùng tu, hội quán đến nay vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng với cổng tam quan, điện thờ, và các vòng nhang lớn mang đến không khí linh thiêng cho ngôi đền
- Hội quán Triều Châu
Hội quán được Hoa Kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện – vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm xuôi gió, đắc lợi. Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc với bộ khung gỗ chạm trỗ tinh xảo, cùng những họa tiết, hương án trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.
-
Nhà cổ ở Hội An
Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An chính là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống. Những vật liệu chính dùng để xây dựng nhà ở đây đều có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và bão lụt hàng năm của vùng này. Thông thường, các ngôi nhà có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Khuôn viên trung bình của các ngôi nhà có chiều ngang khoảng 4 đến 8 mét, chiều sâu khoảng 10 đến 40 mét, biến thiên theo từng tuyến phố. Bố cục mặt bằng phổ biến của những ngôi nhà ở đây gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau. Thực chất, nhà phố ở Hội An bao gồm nhiều nếp nhà bố trí theo chiều sâu và cấu thành không gian kiến trúc gồm 3 phần: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Cách phân chia này phù hợp với mặt bằng hẹp và kết hợp nhiều công năng của ngôi nhà. Có thể nhận thấy đây là một sản phẩm kiến trúc mang tính văn hóa khu vực.
- Chợ đêm Hội An
Là địa điểm dạo chơi buổi tối không thể bỏ qua khi du lịch Hội An, chợ đêm trên phố Nguyễn Hoàng là nơi tập trung những điều đậm chất Hội An nhất. Hàng chục quầy hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, và các vật phẩm lưu niệm được bày bán tại đây, trong không gian lung linh, hoài cổ của những ánh đèn lồng đủ màu sắc.
- Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm có tuổi đời hơn 600 năm này lại càng nổi tiếng hơn với Công viên Đất nung Thanh Hà – nơi tập trung các mô hình kỳ quan thế giới thu nhỏ bằng gốm tinh xảo. Đây cũng là công viên gốm lớn nhất của Việt Nam.
- Biển Cửa Đại
Cửa Đại là một bãi tắm đẹp, có bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và rất sẵn các quán hải sản tươi ngon với giá rẻ. Đến biển Cửa Đại vào buổi tối cũng rất tuyệt bởi lúc ấy bãi biển mênh mông, lung linh dưới những ngọn đèn dầu lãng mạn.
- Biển An Bàng
Nổi tiếng với vẻ đẹp bình yên, không xô bồ, An Bàng từng lọt top 25 bãi biển đẹp nhất của Trip Advisor. Chính vì thế An Bàng cũng được nhiều resort Hội An lựa chọn để xây dựng các khu nghỉ dưỡng sang trọng.
- Rừng dừa Bảy Mẫu
Dừa không hề là đặc sản của riêng Bến Tre, ở Hội An cũng có một rừng dừa nước vô cùng độc đáo, rộng đến “bảy mẫu”. Điểm thú vị của rừng dừa Bảy Mẫu chính là du khách được ngồi trên thuyền thúng, lênh đênh trên dòng nước, len lỏi giữa những hàng dừa rậm rạp.
- Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và gần thành cổ Trà Kiệu, bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm Pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
4. Ẩm thực Hội An có gì nổi tiếng?
- Cơm gà Phố Hội
Với tất cả sự khéo kéo tỉ mỉ trong cách chế biến, người Hội An đã tạo ra một món cơm gà đủ tạo dấu ấn để người ta cho nó một cái tên riêng: Cơm gà phố Hội. Cơm gà phố Hội ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, còn có một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm càng tăng thêm phần hấp dẫn.
- Cao lầu
Cao lầu, món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì. Người ta ít biết đến cao lầu không phải vì nó không ngon mà vì món ngon này khiêm nhường. Nhiều người cho rằng món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.
Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
- Hến xào – Bánh đập
Bánh đập là món bánh độc đáo, kết hợp giữa bánh tráng khô và ướt. Khi ăn thì phải đập nhẹ để hai loại bánh dính vào nhau. Bánh đập dân dã nhất là chấm mắm, đôi chỗ sẽ ăn kèm cùng hến xào cho thêm phần đa dạng.
- Mì Quảng
Mì Quảng cũng như phở, bún đều được chế tác từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng biệt. Ðúng như tên gọi, mì này nguyên có nguồn gốc xuất phát từ xứ Quảng Nam. Ðể làm mì, người ta dùng gạo tốt ngâm nước cho mềm, đem xây thành nước bột mịn, vừa trùng (không đặc không lỏng) pha thêm ít phèn sa để cho sợi mì giòn, cứng rồi đem tráng thành lá mì. Khi chín vớt ra đặt lên vỉ cho nguội, thoa sơ lớp dầu cho mì khỏi dính sau đó xắt thành sợi. Nước nhưn (nhân) mì tiếng địa phương còn gọi là nước lèo – được làm bằng tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò… rất là đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là nhưn tôm, thịt hay thịt gà.
- Bánh bao, bánh vạc
Bánh bao – bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cách làm gần giống nhau, thường ăn chung trên một đĩa bánh. Khác là nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon khi ở Hội An.
- Bánh mì
Là món ăn “quốc dân” của Việt Nam, bánh mì Hội An vẫn rất được săn đón trong mọi kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc được chia sẻ. Một ổ bánh mì “đầy ụ” với xá xíu, thịt nướng, chả lụa, pate và sốt bơ tự làm, đồ chua… sẽ đủ sức quyến rũ rất kỳ ai, dù bạn có là một tín đồ của món ăn này hay không.
- Hoành thánh
Hoành thánh, một món ăn có xuất xứ từ Trung Hoa, cũng là một món ăn truyền thống và quen thuộc gắn với đời sống của người dân Hội An từ bao lâu nay. Hoành thánh có nhiều cách thức chế biến với nhiều hình thức khác nhau như hoành thánh chiên, hoành thánh nước, hoành thánh mỳ … Hoành thánh Hội An mang hương vị và phong cách đặc trưng của phố Hội, của miền đất Quảng thân thương có thể làm vừa lòng những thực khách khó tính nhất.
5. Kinh nghiệm du lịch Hội An cần nhớ
- Hội An buổi sáng đặc biệt bình yên và tĩnh lặng, chỉ có những người dân địa phương chuẩn bị hoạt động ngày mới của mình. Đừng ngại dậy sớm để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của phố cổ nhé.
- Hội An đẹp nhất là vào dịp rằm hay Lễ tết truyền thống nên cũng rất đông đúc du khách vào thời gian nay. Tốt nhất là bạn nên đặt trước khách sạn tại Hội An để sẵn sàng nhất cho chuyến đi.
- Các mặt hàng thường được du khách mua làm kỉ niệm ở Hội An là lồng đèn, hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc các dịch vụ may đo ở phố cổ. Riêng với quần áo đặt may, bạn nên trừ hao thời gian sửa chữa để có được bộ quần áo hài lòng nhất.
- Tuy thời tiết Hội An không quá khắc nghiệt như thành phố dễ chịu ảnh hưởng bởi bão lụt. Cần chú ý xem dự báo thời tiết nếu không muốn du lịch vào thời gian này.
Một bộ kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc không thể đầy đủ hơn cho những ai đang có kế hoạch khám phá phố cổ. Hi vọng bạn sẽ có những giây phút trọn vẹn nhất để thỏa sức khám phá thành phố xinh đẹp này nhé!
Nguồn: Sưu tầm